Người đàn ông thổi hồn vào từng thớ gỗ

LNV - Giữa lòng thành phố tấp nập, những dòng nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh,... vẫn tồn tại len lỏi và vang vọng như một phần nghệ thuật không thể thiếu của mảnh đất trải qua hơn 300 năm lịch sử. Đó là câu chuyện về xưởng chế tác đàn thủ công của ông Huỳnh Văn Sắn, một người thợ đã gắn bó với công việc “thổi hồn” vào từng thớ gỗ, dây đàn truyền thống suốt gần 20 năm.

Lần đầu tiên chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Sắn là tại ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm ở Quận 3 (TP. HCM) – nơi vốn được kết hợp giữa nhà ở với xưởng gia công chế tác đàn, đã gắn bó cùng người thợ này trong nhiều năm. Mặc dù tất bật với công việc làm nhạc cụ, người đàn ông mái tóc điểm bạc vẫn dành ít thời gian kể lại cho chúng tôi nghe “cái duyên” đưa ông đến với nghề: “Hồi nhỏ không có việc làm, tôi được người anh bà con rủ lên thành phố học nghề. Khi đó chỉ có hai lựa chọn là nghề mộc hoặc nghề sắt, về sau được hướng dẫn thêm kinh nghiệm làm nhạc cụ từ gỗ nên theo bản thân cũng gắn bó và theo nghề này suốt mấy chục năm”.

Người đàn ông thổi hồn vào từng thớ gỗ

Nhìn lại hành trình suốt mấy thập kỷ lận đận đục đẽo, căng chỉnh dây và ngửi mùi gỗ, ông Sắn thừa nhận thu nhập không ổn định. Từng có thời điểm, người đàn ông này phải chuyển sang làm các công việc khác như sản xuất đồ cho Chợ Lớn, đồ mỹ nghệ ở Sài Gòn, thậm chí làm thợ đóng tàu, kết quả cũng chỉ gắn bó trong vài năm ngắn ngủi. Thế nhưng, sau tất cả, dường như cái duyên với nghề “thổi hồn” vào từng thớ gỗ, dây đàn đã đưa đẩy ông tìm về công việc cũ. “Chắc tổ nghề chọn nên không dứt được,” ông Sắn cười trừ.

Nhờ chăm chỉ làm việc, tự mày mò nghiên cứu cũng như tích luỹ vốn liếng, ông Sắn cũng có cho mình một xưởng nhỏ chuyên chế tác các loại đàn dân tộc. Xưởng đàn của ông hiện cung cấp ra thị trường nhiều nhạc cụ đa dạng từ bầu, tranh, sến, cò,... Tuy nhiên, được biết đến rộng rãi hơn cả là đàn tỳ bà, khi xưởng có hẳn một website và fanpage liên quan đến loại nhạc cụ này. Đàn tỳ bà có hình dáng quả lê, sở hữu 04 dây tạo ra giai điệu sâu lắng và tươi vui. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó được cải tiến để phù hợp với nhạc tài tử, cải lương và âm nhạc dân gian, thiên về giai điệu uyển chuyển, luyến láy mượt mà.

Theo ông Sắn, quy trình làm bất kỳ nhạc cụ dân tộc nào nói chung cũng như tỳ bà nói riêng, đều đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ từ người thợ thủ công, đồng thời phải tuân thủ đúng một số kỹ thuật, yêu cầu chế tác từ ngàn xưa truyền lại. Một cây đàn chất lượng tốt phải được tạo ra từ gỗ khô. Gỗ phải thật khô thì âm thanh mới đạt yêu cầu. Tùy theo loại gỗ sẽ có khoảng thời gian phơi khác nhau, trung bình khoảng 2 - 3 năm, nhưng cũng có loại đòi hỏi cần bảo quản từ 5 - 10 năm. Ngoài việc sản xuất, xưởng chế tác của ông Sắn còn hỗ trợ sửa chữa đàn hỏng góc, cung cấp phụ kiện dành cho các tay mới học chơi.

Người đàn ông thổi hồn vào từng thớ gỗ

Tuổi tác ngày càng cao khiến ông Sắn lo không có ai tiếp nối và gìn giữ nghề, ông trăn trở: “Hồi còn trẻ, tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nhưng giờ lớn tuổi, chỉ gắng được từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhiều người tới đây đặt mua, muốn có nhanh cũng đâu được, làm đồ thủ công mà, phải cẩn thận, tỉ mỉ, thành phẩm mới có chất lượng,” ông Sắn cho biết. Chia sẻ thêm với PV về khó khăn trong việc giữ nghề, vợ ông – bà Nguyễn Thị Diễm tâm sự: “Tôi khuyên chồng nên nghỉ ngơi, lớn tuổi rồi làm chi cho cực. Nhưng ông cứ tiếc nghề, không đành lòng”.

ông Sắn cho biết, xưởng vẫn khá nhỏ và không phải lúc nào cũng có người đặt để làm, dẫn đến thu nhập thường bấp bênh, khiến nhiều bạn trẻ tìm đến xin được học cũng dần bỏ cuộc vì chán nản. Trước đây, xưởng đàn của ông Sắn hoạt động khá ổn định, chủ yếu bán cho các nghệ sĩ tài tử và bỏ sỉ cho doanh nghiệp. Nhưng thời gian gần đây, công việc dần trở nên khó khăn nhu cầu từ thị trường giảm sút. Hiện, ông Sắn chủ yếu bán cho sinh viên học đàn hoặc những nghệ sĩ có đam mê chơi đàn biết đến xưởng thông qua Facebook, Tiktok do con gái, kiêm “đồng nghiệp” của ông – chị Huỳnh Thị Diễm Ngân tạo dựng.

Là một Gen Z hiện đang say mê học đàn tranh và có cha là thợ chế tác nhạc cụ lành nghề, chị Ngân cho rằng, giới trẻ bây giờ đã có cái nhìn thiện cảm và dần đón nhận nhạc cụ dân tộc hơn. Khi còn học cấp 3, nhiều bạn của Ngân vẫn thường than thở rằng, nhạc truyền thống buồn ngủ, khó tiếp thu, thiếu hấp dẫn. Nhưng vài năm gần đây, nhờ thành công của các sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nhạc cụ dân tộc ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Thậm chí có trường hợp chỉ vừa học tiểu học đã tìm đến xưởng đàn.

Thông qua các nền tảng trực tuyến, chị Ngân đã thành công giúp cha được biết đến nhiều hơn cũng như có thêm đơn hàng từ mạng xã hội. Điển hình trong số đó phải kể đến anh Trung Nghĩa – một nghệ sĩ đàn Tỳ Bà tại Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã đặt xưởng chế tác chiếc đàn Tỳ Bà độc đáo có thể đánh được cả nhạc cổ lẫn nhạc trẻ hiện đại. Trao đổi với chúng tôi, anh Nghĩa cho biết: “Mình rất hài lòng sản phẩm được gia công từ chú Sắn, với những điều chỉnh ở bộ phím, kích thước đàn, giúp mang đến một âm hưởng, giai điệu tươi vui, trong trẻo nhưng vẫn lưu giữ được nét hoài cổ, truyền thống”.

Thanh Nhi

Đường dẫn bài viết: https://langngheviet.com.vn/nguoi-dan-ong-thoi-hon-vao-tung-tho-go-32633.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://langngheviet.com.vn/ All right reserved.