Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

LNV - Thời gian qua, ngoài các mô hình ứng dụng cơ giới hóa tiên tiến, công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp còn ứng dụng một số hệ thống số hóa, chuyển đổi số theo cấp quản lý ngành. Từ đó, làm cơ sở từng bước hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số tại địa phương trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thuỷ lợi, lâm nghiệp, kinh tế hợp tác.

Từ năm 2021, Chương trình OCOP tại tỉnh Đồng Tháp bắt đầu xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hóa OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Nhờ vậy mà quá trình thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP cũng như việc truy xuất, quản lý sản phẩm được công nhận hiệu quả hơn. Đến nay, có toàn tỉnh có 357 sản phẩm công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, trong đó có 272 sản phẩm đạt 3 sao và 85 sản phẩm đạt 4 sao. Những sản phẩm này vừa phân phối theo kênh truyền thống, vừa có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” ở tỉnh Đồng Tháp
Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” ở tỉnh Đồng Tháp

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh đến năm 2025 theo Kế hoạch của UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá đánh giá NTM”. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình lưu trữ và đánh giá xã, huyện đạt chuẩn NTM liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh, hạn chế kinh phí in ấn và photo tài liệu. Văn phòng cũng soạn thảo và in ấn 3.800 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 gửi các sở ngành, huyện và xã, ấp để thực hiện. Đồng thời, triển khai Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp.

Ngoài ra, một mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là mô hình “Xã thương mại điện tử” ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Với mục tiêu hướng đến hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và cộng đồng dân cư. Qua đó, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.

Có thể thấy, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh.

Tuấn Anh

Đường dẫn bài viết: https://langngheviet.com.vn/dong-thap-day-manh-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-29369.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://langngheviet.com.vn/ All right reserved.