LNV - Người Cor còn có tên gọi Co, Trầu, Cùa với địa bàn sinh sống chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, một số sống ở tỉnh Kon Tum. Riêng ở Quảng Nam, người Cor phân bố khá tập trung ở hai xã Trà Kót và Trà Nú, và một số ở xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My); cùng với một số ít hộ sinh sống ở xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước), xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và các xã Tam Sơn, Tam Trà (huyện Núi Thành).

Trong một chuyến công tác về xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu về văn hóa phi vật thể của đồng bào Cor nơi đây; chúng tôi may mắn được tiếp xúc và trò chuyện với nghệ nhân Hồ Thị Ca, 72 tuổi và được tận mắt chứng kiến khả năng thổi kèn Amáp của bà, được tận tay cầm nắm chiếc kèn A máp nhỏ nhắn. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về tính độc đáo của chiếc kèn này. Được tận mắt chứng kiến hai người nghệ nhân già trong trang phục truyền thống của dân tộc Cor tấu nên những nốt nhạc du dương, ngân nga hòa với gió ngàn giữa tiết trời mùa xuân trong xanh nắng ấm chúng tôi cảm thấy cuộc hành trình hơn 100 cây số của chúng tôi thật có ý nghĩa.
Theo nghệ nhân Hồ Thị Ca, kèn Amáp dài khoảng 30cm, tiết diện bằng đầu nhọn của chiếc đũa ăn cơm. Một đầu để trống, đầu còn lại được bịt kín bằng sáp ong tạo lưỡi gà dài khoảng 2 phân, để khi thổi, hơi sẽ làm lưỡi gà rung lên, tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của loại nhạc cụ này. Tuy cách làm Kèn amáp tương đối đơn giản nhưng để làm được kèn hội đủ các yếu tố về cung bậc âm thanh trầm, trung, cao và trên hết là trong đạt đến độ chuẩn là rất khó, hiện nay không còn nhiều người biết làm nhạc cụ này. Loại kèn này không bền, chỉ sử dụng ba, bốn ngày là bỏ. Khi sử dụng phải ngâm vào nước để âm thanh hay hơn.
Đặc biệt, kèn A máp chỉ dành riêng cho phụ nữ, có thể một người thổi hoặc hai người cùng thổi. Nếu một người sử dụng: thì lấy hai tay úp lại nhau vào lỗ thoát hơi làm hộp cộng hưởng. Hai tay mở ra, úp lại tạo thành các âm thanh khác nhau. Nếu hai người sử dụng thì một người thổi một đầu kèn, người kia ngậm vào đầu kèn còn lại, dùng miệng làm hộp cộng hưởng. Người làm hộp cộng hưởng là người hát. Nhưng tiếng hát đó không phải ai cũng hiểu vì âm thanh phát ra hòa trộn giữa tiếng người hát với tiếng sáo tạo nên âm điệu hết sức đặc biệt chỉ có người trong cuộc và người có kinh nghiệm mới thấu hiểu tiếng kèn muốn biểu đạt điều gì...

Nếu có dịp về với đồng bào Cor ở núi rừng vùng núi Bắc Trà My, bạn sẽ được chứng kiến những người nữ nghệ nhân với tiếng kèn Amáp cất lên hòa với tiếng vi vu của gió ngàn giữa núi rừng hoang sơ, giữa thiên nhiên mơn mởn căng tràn sức sống để tìm sự thanh thản trong tâm hồn, bỏ lại sau lưng cuộc hành trình vất vả và để tạm quên đi những bon chen, khó nhọc của cuộc sống thường ngày...
Lâm Đăng Khoa
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://langngheviet.com.vn/ All right reserved.