TP.HCM: Làng nghề làm nhang hối hả vào xuân

LNV - Hàng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 9 Âm lịch, các cở sở sản xuất nhang tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM lại hoạt động hết công suất để chuẩn bị cung ứng nhang cho thị trường Tết Nguyên đán.

Nhang được phơi dọc hai bên đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM


Sắc vàng, đỏ, hồng cùng mùi thơm thoang thoảng của hương quế, hương trầm từ những bó nhang được phơi dọc hai bên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) khiến người đi đường cảm thấy dễ chịu và thích thú. Theo chia sẻ của nhiều người dân, nghề làm nhang tại đây đã tồn tại hàng trăm năm nay. Các cơ sở làm nhang tại xã đa phần sản xuất theo kiểu hộ gia đình với quy mô vừa và nhỏ. Có mặt tại cơ sở sản xuất nhang của chị Danh Thị Phương (36 tuổi, ngụ ấp 2) cũng là lúc chị đang tất bật sản xuất. Vừa thu gom xong mẻ nhang đã khô, chị tiếp tục bắt tay vào xe mẻ nhang mới. Chị Phương chia sẻ, vào thời điểm cận tết, nhu cầu sử dụng nhang của các gia đình tăng nên cơ sở phải hoạt động hết công suất để kịp phục vụ thị trường.

Chị Danh Thị Phương chia sẻ, nếu thời tiết thuận lợi, nắng tốt thì phơi từ 2-3 giờ để nhang khô


Chị Phương cho biết: “Gia đình tôi đã 2 đời theo nghề này. Đây cũng là nghề truyền thống của nhiều người dân ở đây. Để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh đến tay khách hàng thì phải trải qua rất nhiều công đoạn: Trộn bột nhang, chẻ tăm, xe nhang, phơi nhang, đếm số lượng, đóng gói,... Công đoạn trộn bột được xem là quan trọng nhất, quyết định chất lượng của nhang, bột nhang phải mịn, độ ẩm vừa đủ, đặc biệt, màu sắc phải bắt mắt, hương thơm của nhang phải tạo cảm giác dễ chịu. Mỗi cơ sở đều có một công thức, bí quyết riêng. Tôi làm với quy mô hộ gia đình, mỗi ngày sản xuất được khoảng 65-70 thiên nhang (1 thiên là 1.000 cây)”.

Cách cơ sở của chị Phương chưa đầy 300m là cơ sở sản xuất nhang Phương Linh. 10 năm gắn bó với nghề làm nhang, chị Phạm Thị Ngọc Phương (30 tuổi) - công nhân làm việc tại đây thông tin, làm nhang quanh năm nhưng vào những tháng cận tết, hầu như tất cả các cơ sở dù lớn hay nhỏ đều phải “chạy đua” với thời gian để kịp giao cho khách. Hiện tại, các cơ sở đều làm nhang bằng máy, cơ sở sản xuất nhang Phương Linh hiện có 5 nhân công, mỗi ngày, làm ra được khoảng 400 thiên nhang. Mặc dù thu nhập không cao nhưng nghề này cũng giúp những người làm công như chị đủ sống.

“Chia tay” phương pháp làm thủ công truyền thống, những năm gần đây, các cơ sở sản xuất nhang tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã chuyển sang làm bằng máy. Chị Nguyễn Thị Sương (40 tuổi) - công nhân làm nhang tại cơ sở Ngọc Phượng, cho biết: “Những năm gần đây, người dân đã bắt đầu làm nhang bằng máy thay vì xe nhang theo kiểu truyền thống như trước đây. Ưu điểm của làm nhang bằng máy là nhang làm ra sẽ đều và đẹp hơn. Ngoài ra, làm bằng máy còn cho năng suất cao hơn và giúp người làm tiết kiệm được thời gian. Tùy theo loại mà nhang có giá khác nhau, thông thường, dao động từ 25.000-40.000 đồng/thiên. Vào những tháng cận tết thì những người làm công nhân có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày.

Với ưu điểm lâu tàn, mùi thơm dễ chịu, màu sắc bắt mắt, nhang tại xã Lê Minh Xuân, được khách hàng tin dùng. Từ xưa đến nay, thắp nhang đã trở thành một trong những phong tục văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, thể hiện sự tôn kính của mỗi người đối với những người đã khuất hay để cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống./.

Bài, ảnh: Nguyễn Dung

Đường dẫn bài viết: https://langngheviet.com.vn/tphcm-lang-nghe-lam-nhang-hoi-ha-vao-xuan-20173.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://langngheviet.com.vn/ All right reserved.