Không biết chính xác từ bao giờ, nhưng có lẽ đã hơn 80 năm đã trôi qua, ngọn lửa tại các lò rèn vẫn cháy trong trái tim nhiều người thợ rèn từ đời này sang đời khác. Hàng ngày, tiếng búa đe, tiếng mài giũa, tiếng gò hàn vẫn ngân vang trong trái tim những người thợ rèn nơi đây. Mỗi lò rèn đều có bí kíp riêng của mình từ việc dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt, rồi cắt sắt tạo hình, nung qua lửa ra sao thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới cảm nhận được.
Mỗi sản phẩm nông cụ được làm ra đều có sự khác nhau về hình dáng, kích thước lẫn mục đích sử dụng nên người thợ rèn phải am hiểu để tư vấn, tạo ra những sản phẩm tốt, phù hợp yêu cầu của khách hàng. Để có một sản phẩm nông cụ hoàn chỉnh, người thợ rèn phải thực hiện qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều có đặc điểm riêng. Khi nung, rèn, người thợ phải biết điều chỉnh nhiệt độ của lửa và thời gian nung phù hợp.

Làng Lò rèn Đăng Hưng Phước góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1962) ngụ ấp Bình Phú Quới, chủ lò rèn 8 Hòa đã quen thuộc với tiếng đe, tiếng búa... với những nông cụ được ông nội, rồi đến cha ông làm ra mỗi ngày. Ông được học trực tiếp nghề rèn từ cha của mình. Lò rèn của ông hiện có 4 thợ rèn. Hơn 40 năm qua, công việc tại lò rèn của ông được bắt đầu lúc sáng sớm. Mỗi ngày, trung bình tại lò rèn của ông Hòa sửa chữa và làm ra hơn 100 sản phẩm, một người thợ có mức thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng những lúc cao điểm có khi trên 500.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Để trở thành người thợ rèn giỏi phải mất 01 năm học và làm tại lò, nghề rèn đòi hỏi người thợ rèn phải có sức khỏe tốt, sự khéo léo và cả sáng tạo. Nghề rèn rất vất vả, tay chân lại lấm lem, thu nhập cũng đủ ăn, tuy nhiên được bà con tin tưởng nên tôi vẫn luôn muốn duy trì nghề này".
Lò rèn của anh Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1970) cùng ngụ ấp Bình Phú Quới cũng bắt đầu từ rất sớm, công việc này đã gắn bó với anh gần 35 năm, anh cũng học nghề rèn từ cha của mình. Lò của anh cũng có 4 người thợ đang miệt mài tạo ra những chiếc liềm, cái dao,... để nông dân thuận tiện trong lao động. Trong quá trình tạo ra sản phẩm, anh Hải luôn chú trọng chất lượng nông cụ của lò mình làm ra để bà con sử dụng được lâu dài. Những năm gần đây, để sản phẩm đáp ứng nhu cầu của bà con trồng thanh long và dừa Mã Lai, anh Hải đã tìm hiểu nhu cầu từ nhiều người đặt hàng tại lò rèn của anh để làm ra sản phẩm đẹp, cứng và dễ thao tác.
Tại các lò rèn, người thợ không chỉ sửa chữa, làm các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng mà các sản phẩm tại đây còn được bán tại các chợ trong và ngoài tỉnh như tỉnh Long An, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh. Anh Trần Văn Phấn, nông dân xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An là khách hàng quen thuộc của lò rèn chia sẻ: “Tôi rất thích các nông cụ của các lò rèn tại đây, bởi chất lượng tốt, sắc bén, lại làm theo ý của nông dân, đặc biệt là các nông cụ dùng để trồng thanh long, trồng dừa”.
Nghề rèn vô cùng vất vả, suốt ngày người ướt mồ hôi vì lửa nóng, sạm đen vì bụi than, nhưng là nghề truyền thống, truyền từ đời ông, đời cha. Thế nên, những người thợ ở làng rèn nơi đây luôn lấy làm tự hào cho cái nghiệp của mình. Để nghề rèn không bị mai một, bản thân mỗi người thợ rèn ngoài việc học hỏi cái mới và kinh nghiệm còn cần sự hỗ trợ từ các ngành để họ có thể duy trì và tiếp tục gắn bó với nghề để làng nghề mãi là nét văn hóa riêng của địa phương.
Bài và ảnh Công Hưởng - An Khương