“Giấy thông hành” vào các siêu thị Ngay từ những ngày đầu tham gia chương trình OCOP, HTX nông nghiệp Suối Giàng Văn Chấn đã thành công trong việc thay đổi hình thức sản xuất chè cho các hộ thành viên từ nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc, giá cả bấp bênh sang hợp tác sản xuất với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. HTX phụ trách hướng dẫn, điều hành tất cả các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên.

Du khách thăm quan thực tế tại HTX Suối Giàng.
Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX Suối Giàng chia sẻ: "Đến nay, đa số khách hàng trong và ngoài tỉnh đều biết đến xã Suối Giàng có Tuyết Sơn trà với 4 dòng sản phẩm chính Đó là kết quả của những lần tham gia trưng bày, giới thiệu ở khắp 49 tỉnh, thành trên cả nước mà Chương trình OCOP đã thúc đẩy thương hiệu sản phẩm rất hiệu quả. Trong quá trình triển khai, bên cạnh sự hỗ trợ về kiến thức, quy trình thủ tục, kinh phí in bao bì, tem mác, thiết kế logo từ phía ngành chức năng, HTX cũng chủ động trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguyên liệu đến khâu chế biến. Từ khi được công nhận đạt OCOP, sản phẩm của HTX đã được trưng bày, bán tại nhiều điểm giới thiệu sản phẩm trong toàn tỉnh. Từ đó, thêm nhiều khách hàng biết đến thương hiệu của HTX, lượng hàng hóa chúng tôi tiêu thụ được cũng tăng mạnh hơn so với thời gian trước. Nhờ OCOP, Tuyết Sơn trà được tạo điều kiện để chuẩn hóa, có thị trường tiêu thụ ổn định, khẳng định uy tín trên thị trường”.
Với thương hiệu Tuyết Sơn trà hiện nay, HTX không những đã đạt được mục tiêu ban đầu là lấy lại thương hiệu cho vùng chè quý mà còn tạo thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng/năm cho các hộ đồng bào tham gia liên kết sản xuất và 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.
HTX Suối Giàng đang ngày càng phát triển với doanh thu tăng dần theo mỗi năm (năm 2022, dự ước đạt trên 2 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước). Tháng 5 năm nay, HTX còn ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với Công ty KoBa Planning Nhật Bản.

Miến đao (hay còn gọi là miến dong) Giới Phiên được người tiêu dùng Thủ đô
tìm mua tại BigC Thăng Long (Hà Nội).
Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm OCOP đã giúp HTX nâng cao được trình độ, năng lực quản lý, các thành việc HTX từng bước thay đổi tư duy, nhận thức tổ chức sản xuất. Từ đó chất lượng Tuyết sơn trà dần có thương hiệu riêng vùng miền.
Tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, giống như một "tấm giấy thông hành” để đưa đến những phân khúc thị trường mới hơn, cao cấp hơn. – Chị Lâm Thị Kim Thoa Giám đốc HTX cho biết thêm. Với sản phẩm miến đao Giới Phiên đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nữ giám đốc HTX Miến Đao Giới Phiên chị Phạm Thị Thu Hà cho biết ban đầu chỉ nghĩ tham gia chương trình OCOP chỉ để có sao cho đẹp, tuy nhiên khi xúc tiến thương mại đưa nông sản vào siêu thị, đối tác yêu cầu sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Từ đó, HTX và thành viên mới nhận ra tầm quan trọng của chứng nhận OCOP, không ngừng phấn đấu để đạt OCOP 5 sao.

Chị Phạm Thị Thu Hà – Giám đốc HTX Miến Đao Giới Phiên tư vấn sản phẩm cho khách hàng
Như vậy, OCOP được coi như “giấy thông hành” giúp thăng hạng cho sản phẩm miến đao Giới Phiên, từ việc chỉ có mặt tại các chợ cóc, quầy kệ tạp hóa, nay các sản phẩm được đóng gói trong bao bì, hộp bắt mắt, sang trọng, “chễm chệ” ngồi trên kệ các siêu thị lớn.
Từ khi xây dựng được thương hiệu, trung bình mỗi năm HTX xuất bán gần 100 tấn miến đao ra thị trường, trong đó chinh phục được những thị trường "khó tính" như hệ thống siêu thị Big C ở miền Bắc trên 20 tấn/năm, hệ thống nhà phân phối rộng khắp các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Tăng cường xúc tiến thương mại Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Postmark.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP cho các cán bộ phụ trách triển khai chương trình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, THT, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Triển khai thực hiện Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đến hết tháng 11/2022, tỉnh đã công nhận được 29/35 sản phẩm, trong đó có 27 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao, đạt 82,8% kế hoạch. Lũy kế toàn tỉnh có 167 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đang tổ chức đánh giá đợt 4 năm 2022 cho 15 sản phẩm OCOP cấp huyện, dự kiến hết tháng 12 sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch 35 sản phẩm OCOP.
Bài, ảnh: Nguyễn Nam